Những biến chứng thường gặp khi bị cận thị nặng

Những biến chứng thường gặp khi bị cận thị nặng

  • (0) bình luận

Hầu hết những người mắc tật cận thị đều chỉ quan tâm đến sự bất tiện trong sinh họat, vấn đề thẩm mỹ khi mang kính… mà ít ai biết rằng cận thị nặng lâu ngày còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý ở mắt cao hơn các đối tượng khác. Đáng chú ý, cận thị tiến triển nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, dẫn đến mắc các bệnh về mắt khác như: nhược thị, lác, bong võng mạc..

1. Cận thị là gì?

Cận thị là một tật khúc xạ gây rối loạn chức năng thị giác, tia sáng hội tụ ở trước võng mạc thay vì phải hội tụ tại đúng võng mạc, điều này khiến cho người bị cận thị chỉ có thể nhìn được những vật ở gần mà không nhìn rõ những vật ở xa.

2. Các loại cận thị

Cận thị được chia làm hai loại:

  • Tật cận thị: còn gọi là cận thị học đường, thường bắt đầu ở lứa tuổi học trò, mức độ cận nhẹ và trung bình (6 diop trở xuống), cận tiến triển chậm, tăng độ ít, độ cận thường ổn định khi đến tuổi trưởng thành, tỷ lệ biến chứng thấp.
  • Bệnh cận thị: thường bẩm sinh, có yếu tố gia đình, cận trên 6 diop, có trường hợp lên tới 30 diop, mức độ cận tăng nhanh, ngay cả khi đã đến tuổi trưởng thành. Bệnh cận thị thường có nguy cơ xảy ra biến chứng, tiên lượng điều trị những biến chứng này kém, khả năng phục hồi thị lực thấp.

3. Những biến chứng thường gặp của người cận thị nặng

Bong võng mạc, xuất huyết dịch kính:

Võng mạc là lớp màng thần kinh mỏng nằm ở phía sau đáy mắt, giữ vai trò thu nhận ánh sáng và chuyển chúng thành tín hiệu để truyền lên não phân tích.

Ở mắt người cận thị nặng, trục nhãn cầu dài hơn bình thường nên dễ co kéo võng mạc, khiến cho vùng chu biên của võng mạc mỏng dần. Lâu ngày có thể gây rách võng mạc, sự co kéo sẽ làm bong võng mạc và các mạch máu cũng có nguy cơ vỡ đứt làm xuất huyết dịch kính trong mắt. Đây là các biến chứng nặng nề, khả năng hồi phục thị lực rất kém.

Nhược thị:

Nhược thị là tình trạng mắt bị suy giảm thị lực do não không nhận được hoàn toàn hoặc chỉ một phần tín hiệu từ mắt truyền đến. Nhược thị có thể xảy ra ở 1 mắt hoặc cả 2 mắt do độ khúc xạ cao hoặc bất đồng khúc xạ.

Nhược thị nếu phát hiện sớm và kịp thời ( thường ở độ tuổi dưới 6 tuổi) có thể điều trị giúp trẻ cải thiện thị lực, tuy nhiên nếu trên 6 tuổi sự hồi phục sẽ khó khăn dù luyện tập hay phẫu thuật.

Lác ( lé):

Là tình trạng mắt không nằm ở vị trí cân đối bình thường. Ở người cận thị cao sự phối hợp điều tiết qui tụ của các cơ kém, thường dẫn đến lác ngoài hoặc lác luân phiên 2 mắt, gây mất thẩm mỹ và giảm thị lực.

Lác mắt có thể xảy ra ở 1 mắt hoặc trên cả 2 mắt. Trường hợp nhẹ có thể điều chỉnh bằng cách đeo kính, nặng hơn có khi phải can thiệp phẫu thuật để phục hồi thị lực cũng như thẩm mỹ cho bệnh nhân.

4. Những lưu ý khi bị cận thị nặng

  • Người cận nặng không nên khiêng vác nặng cũng như làm các công việc gắng sức, không chơi các môn thể thao nặng (cử tạ, đấm bốc, võ thuật,…), tránh để chấn thương vào mắt.
  • Cần đi khám liền khi có các hiện tượng mờ đột ngột, nhìn hình méo mó, nhìn mờ một phía, thấy hiện tượng ruồi bay, chớp sáng…
  • Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được khám định kỳ mỗi 3 – 6 tháng nhằm kiểm tra khúc xạ để điều chỉnh kính phù hợp và thăm khám đáy mắt để phát hiện các biến chứng và được điều trị kịp thời. Trẻ nhỏ có thể sử dụng kính áp tròng ban đêm Ortho – K để duy trì hạn chế tăng số kính, giúp kiểm soát tình trạng khúc xạ. Người trưởng thành thì có thể tìm hiểu các phương pháp phẫu thuật điều trị dứt điểm tật khúc xạ.
  • Để lựa chọn được chính xác phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất, bệnh nhân cần phải tiến hành khám chuyên sâu. Thông qua quá trình khám bác sĩ sẽ kiểm tra được các thông số về khúc xạ, chiều dày giác mạc, tình trạng đáy mắt và toàn nhãn cầu, từ đó sẽ đưa ra phương pháp phẫu thuật tối ưu nhất trên từng bệnh nhân. Để giảm thiểu biến chứng đáy mắt, bệnh nhân nên tiến hành thêm laser bổ sung.
  • Biến chứng cận thị nặng rất nguy hiểm, vì thế khi cận thị bạn nên thường xuyên đến các bệnh viện mắt chuyên khoa để kiểm tra tình trạng cận thị.

Bình luận